Chiến đấu cơ Ukraine mang theo bom JDAM-ER.

Đối phó EW

Thông tấn Anh cho biết, Không quân Ukraine đã được Mỹ viện trợ bom dẫn đường chính xác JDAM-ER, lắp chúng lên tiêm kích MiG-29 và Su-27 với giá treo đặc biệt. Bom JDAM-ER được Ukraine sử dụng ít nhất từ tháng 3/2023.

Tuy nhiên, loại bom sử dụng hệ thống định vị GPS này là một trong nhiều vũ khí phương Tây chịu ảnh hưởng nặng từ hoạt động gây nhiễu của lực lượng tác chiến điện tử (EW) Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/5 thông báo không quân nước này đã ký với Hiệp hội Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học (SARA) hợp đồng trị giá hơn 23,5 triệu USD để mua đầu dò săn tổ hợp gây nhiễu GPS (HOJ) tích hợp vào bom dẫn đường JDAM-ER.

Lầu Năm Góc cho biết: "Hợp đồng này liên quan đến thương vụ cung cấp vũ khí cho Ukraine".

HOJ được cho là có thể biến JDAM-ER từ loại vũ khí bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác chiến điện tử Nga thành khí tài săn lùng các tổ hợp gây nhiễu GPS và đối phó chúng.

Thông số kỹ thuật chi tiết của đầu dò HOJ chưa được công bố. SARA cho biết đã phát triển khả năng tích hợp đầu dò HOJ vào các loại vũ khí dẫn đường khác nhau trong nhiều năm.

Hiệp hội SARA cho biết: "Nếu đối phương cố gắng dùng tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu trên chiến trường, đầu dò HOJ có thể giúp bom hoặc tên lửa dẫn đường tấn công vào nguồn phát tín hiệu".

Cơ quan này cho hay HOJ có kích thước nhỏ gọn và chi phí sản xuất bằng 1/10 so với hệ thống tương tự đời trước, sử dụng đầu nối phổ thông để có thể nhanh chóng lắp lên vũ khí có sẵn.

Việc Mỹ cung cấp HOJ cho Ukraine có thể cho phép nước này dùng bom JDAM-ER tấn công tổ hợp gây nhiễu GPS của Nga. Tuy nhiên, mẫu đầu dò này chưa từng thực chiến và không rõ hiệu quả của chúng đến đâu, cũng như lực lượng Nga sẽ mất bao lâu để đối phó.

Giới chức Mỹ thừa nhận nhiều loại vũ khí dẫn đường bằng GPS mà nước này viện trợ cho Ukraine giảm hiệu quả, thậm chí trở nên vô dụng vì bị EW Nga gây nhiễu.

Trong số này có loại đạn phóng từ mặt đất được cải hoán từ vũ khí không đối đất, được cho là Bom Đường kính nhỏ Phóng từ mặt đất (GLSDB).

Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Mỹ, Daniel Patt, cho biết đạn pháo dẫn đường Excalibur dùng hệ thống định vị GPS mà Ukraine sử dụng ban đầu đạt tỷ lệ bắn trúng mục tiêu tới 70%, nhưng con số này giảm xuống 6% chỉ sau 6 tuần "vì lực lượng Nga điều chỉnh phương thức tác chiến điện tử để đối phó với nó".

Điểm yếu của bom

Vấn đề lớn nhất đối với bom dù gắn HOJ hay không là máy bay Ukraine mang chúng cần phải tiếp cận trong phạm vi phòng không của Nga trước khi thả chúng.

Nếu tiếp cận mục tiêu trong phạm vi 20-140 km, chúng có nguy cơ bị hệ thống phòng không tầm trung của Nga, bao gồm các hệ thống tên lửa Pantsir, Tor và Buk bắn hạ.

Ở tầm xa hơn, máy bay phản lực của đối phương có thể trở thành mục tiêu của các hệ thống tên lửa S-300 và S-400, hoạt động ở phạm vi dự kiến (tức là khoảng cách vượt xa tầm bắn của tên lửa do máy bay địch mang theo) từ 75 đến 400 km.

Khả năng thứ hai đặt gần như toàn bộ không phận Ukraine ở phía đông sông Dnepr trong tầm bắn của lực lượng phòng không Nga và khiến hoạt động của máy bay quân sự và trực thăng trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Một vấn đề khác là sự phụ thuộc của bộ JDAM-ER vào hướng dẫn GPS. Vào tháng 5/2023, truyền thông Mỹ đưa tin rằng thiết bị tác chiến điện tử phức tạp của quân đội Nga có thể gây nhiễu hệ thống dẫn đường của JDAM và khiến chúng đi chệch hướng và trượt mục tiêu.

Một quan chức Mỹ xác nhận rằng Lầu Năm Góc đã khuyên lực lượng Ukraine cố gắng xác định và tiêu diệt các thiết bị gây nhiễu của Nga để ngăn cản họ thực hiện công việc đánh bại JDAM và các hệ thống tiên tiến khác do Mỹ sản xuất, bao gồm cả pháo phản lực HIMARS.

Khả năng gây nhiễu và tên lửa phòng không của Nga trên thực tế chứng minh một quan điểm mà nhà báo và nhà phân tích chính trị Caleb Maupin ở Mỹ đã quan sát được trong cuộc trò chuyện với Sputnik vào tháng trước rằng:

Trong khi Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng quân đội của họ để gây ảnh hưởng trong các cuộc xung đột, chống lại các quốc gia có hệ thống phòng không hạn chế hoặc không tồn tại như Iraq, Libya và Nam Tư, khả năng của họ suy yếu đáng kể khi buộc phải chiến đấu với một đối thủ ngang hàng thực sự như Nga, điều mà cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine đã chứng minh rõ ràng.